MỞ ĐẦU
1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI:
- Trong những năm gần đây, vấn đề đổi mới dạy học môn Ngữ Văn luôn được các nhà khoa học quan tâm, nghiên cứu. Nhiều phương pháp, biện pháp mới liên tục được đưa ra dù có khác nhau nhưng đều thống nhất khẳng định vai trò của người học không phải là những bình chứa thụ động mà là những chủ thể nhận thức tích cực trong quá trình học tập. Như vậy dạy Văn là dạy cách tư duy, dạy cách đi tìm và tự chiếm lĩnh lấy kiến thức. Đó là một định hướng giáo dục quan trọng hiện nay.
- Bộ môn Ngữ Văn trong nhà trường THCS là một trong những bộ môn có dung lượng kiến thức và số tiết dạy nhiều. Chính vì vậy, việc dạy Văn cũng gặp nhiều khó khăn. Dung lượng kiến thức mỗi tiết rất dài và có độ khái quát rất lớn. Để giờ dạy có hiệu quả thì cả người dạy và người học đều phải tập trung cao độ, chuẩn bị kĩ nếu không sẽ không đủ thời gian. Trong khi đó, kiến thức lại khó và rộng, nên không phải người học nào cũng tạo cho mình một tâm lí thoải mái, hưng phấn khi học, thậm chí còn thấy mệt mỏi, kém hứng thú. Bên cạnh đó, nhiều học sinh chưa biết cách học, cách ghi kiến thức vào bộ não mà chỉ học thuộc lòng, học vẹt, thuộc một cách máy móc, thuộc nhưng không nhớ được kiến thức trọng tâm, không nắm được “sự kiện nổi bật” hoặc không biết liên tưởng, liên kết các kiến thức có liên quan với nhau…
- Chính điều đó, bản thân là một giáo viên Ngữ văn, tôi không khỏi băn khoăn, suy nghĩ: “Làm thế nào để xây dựng được một giờ dạy Ngữ văn tốt nhất vừa đáp ứng được yêu cầu của môn học, vừa giúp cho các em học sinh có hứng thú khi học môn này, yêu Văn và tìm thấy niềm say mê đối với bộ môn?”.
- Nhờ sự quan tâm giúp đỡ của Phòng Giáo dục Dầu Tiếng, Ban giám hiệu Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm và các đồng nghiệp. Tôi đã được tham dự và lắng nghe buổi hội thảo chuyên đề về hướng dẫn giảng dạy có sử dụng Bản đồ tư duy. Từ những điều đã tiếp thu được, tôi nhận thấy cần mạnh dạn sử dụng Bản đồ tư duy vào việc giảng dạy bộ môn Ngữ văn nhằm giúp cho việc nâng cao chất lượng dạy học văn ở nhà trường THCS.
-Từ thực tế những việc đã làm được tôi mạnh dạn đưa ra những ý kiến của mình và chọn viết đề tài: “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG BẢN ĐỒ TƯ DUY TRONG QUÁ TRÌNH DẠY – HỌC NGỮ VĂN 8” .
2. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU:
Nhằm hướng các em đến một phương cách học tập tích cực và tự chủ, không chỉ giúp các em khám phá các kiến thức mới mà còn phải giúp các em hệ thống được những kiến thức đó. Việc xây dựng được một “hình ảnh” thể hiện mối liên hệ giữa các kiến thức sẽ mang lại những lợi ích đáng quan tâm về các mặt: ghi nhớ, phát triển nhận thức, tư duy, óc tưởng tượng và khả năng sáng tạo…Một trong những công cụ hết sức hữu hiệu để tạo nên các “hình ảnh liên kết” là Bản đồ tư duy.
3. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU:
Đối tượng nghiên cứu là các em học sinh lớp 8a1, 8a2 trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm – do tôi trực tiếp giảng dạy, kết hợp với các giáo viên dạy Ngữ văn 8, Ban Giám Hiệu và các tổ chức đoàn thể của nhà trường.
4. NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU:
Khảo sát việc thiết kế và sử dụng Bản đồ tư duy trong dạy học Ngữ văn ở trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Tìm hiểu thái độ học tập của học sinh khi học những tiết có sử dụng Bản đồ tư duy.
Tìm hiểu sự chuẩn bị và cách truyền đạt kiến thức của giáo viên khi dạy các tiết học có Bản đồ tư duy.
Tìm hiểu nguyên nhân khách quan và chủ quan tác động tới việc tiếp thu kiến thức của học sinh cũng như sự vận dụng thiết kế và sử dụng Bản đồ tư duy của các em.
5. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU:
Nghiên cứu việc thiết kế và sử dụng Bản đồ tư duy ở trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, tôi sử dụng các phương pháp sau:
1. Phương pháp điều tra giáo dục: Qua các câu hỏi điều tra để có thể tìm ra nguyên nhân làm cho học sinh hứng thú khi học các tiết học có sử dụng Bản đồ tư duy và hiệu quả của tiết học đó.
2. Phương pháp trò chuyện phỏng vấn để nắm được những thuận lợi, khó khăn khi dạy các tiết Ngữ văn có sử dụng Bản đồ tư duy.
3. Phương pháp nghiên cứu sản phẩm hoạt động sư phạm: tìm hiểu sự chuẩn bị của