Sáng kiến kinh nghiệm năm 2009 - 2010

Thứ ba - 09/04/2013 16:44
Lêi nãi ®Çu
Mỗi người mỗi nghề đều mang những đặc thù, đặc trưng riêng của từng ngành nghề sao cho phù hợp với năng lực sở trường của mình. Nghề dạy học được coi là một nghề cao quý bởi sản phẩm chủ yếu là nhân cách con người. Muốn trở thành con người hữu ích thì sự giáo dục của nhà trường là một điều hết sức cần thiết.    
            Dạy học đã khó, dạy mỹ thuật càng khó. Bởi ngoài việc dạy học sinh những kiến thức cơ bản thì việc học mỹ thuật còn phải đem lại niềm vui cho mọi người, làm cho mọi người nhìn ra cái đẹp, thấy cái đẹp ở trong mình và xung quanh mình trở nên gần gũi đáng yêu, đồng thời học mỹ thuật giúp mọi người tự hào ra cái đẹp theo ý mình, theo cách lý giải của bản hân, làm cho cuộc sống thêm tươi vui và hạnh phúc.     
Dạy và học mỹ thuật ở trường THCS không nhằm đào tạo họa sĩ hay người làm nghệ thuật mà nhằm giáo dục thị hiếu thẩm mỹ cho học sinh. Chủ yếu tạo điều kiện cho học sinh tiếp xúc làm quen và thưởng thức cái đẹp, tập tạo ra cái đẹp vận dụng cái đẹp vào trong cuộc sống hằng ngày. Để làm được điều đó cần hiểu về cách nhìn cách cảm nhận, lý giải hiện tượng sự vật…của học sinh hay nói cách khác là ngôn ngữ tạo hình của học sinh THCS trong bộ môn mỹ thuật, mà cụ thể ở đề tài nghiên cứu này được tìm hiểu thông qua phân môn vẽ tranh        
Việc tìm hiểu đặc trưng ngôn ngữ  tạo hình ở học sinh THCS sẽ giúp cho giáo viên giảng dạy đánh giá một cách tích cực đúng đắn, gây hứng thú cho cả người học và người dạy, tìm ra được phương pháp, cách thức giảng dạy phù hợp với đối tượng, lứa tuổi. Tuy nhiên dạy như thế nào ? dạy thật tốt hay bình thường còn phụ thuộc vào ý thức học tập của học sinh.
Hy vọng rằng, qua đề tài này nó sẽ giúp cho tôi cũng như các bạn đồng nghiệp có một ít kinh nghiệm và sự hiểu biết về ngôn ngữ tạo hình ở học sinh THCS. Tạo điều kiện cho chúng ta giảng dạy tốt hơn.
Qua đây tôi cũng xin cảm ơn Ban Giám Hiệu nhà trường, quý thầy cô giáo và tất cả các em học sinh khối 6,7,8 trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nhiệt tình giúp đỡ và đồng hành với tôi hoàn thành đề tài này.            
 
 
 
 
 
 

A - PHẦN MỞ ĐẦU
I. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Với mong muốn trở thành người giáo viên dạy tốt, dạy giỏi, hoàn thành tốt công tác nhiệm vụ cần có rất nhiều yếu tố. Đó là chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức kinh nghiệm, và lòng say mê yêu nghề yêu trẻ.
Đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, an ninh, quốc phòng. Những năm vừa qua Đảng và nhà nước ta luôn quan tâm đến sự phát triển của giáo dục, đặc biệt là chất lương của nó, cùng với nhu cầu phát triển ngày càng cao của con người về đức dục, trí dục và thể dục, thì mỹ dục cũng không ngừng được phát triển và dần có vai trò quan trọng trong đời sống của mỗi con người và nhất là thế hệ trẻ, mà đối tượng nghiên cứu ở đây là học sinh THCS.
Với bộ môm mỹ thuật hiện nay nói riêng, giáo viên giảng dạy mỹ thuật còn ít kinh nghiệm, không có cơ hội thảo luận và nghiên cứu sâu vấn đề. Bởi thời lượng tiết còn ít, mỗi trường chỉ có một hoặc hai giáo viên, nên việc trao đổi và thảo luận gặp nhiều khó khăn. Đồng thời đây cũng là bộ môn mới được đưa vào nhà trường trong những năm gần đây nhằm đáp ứng nhu cầu thị hiếu của con người, luôn luôn hướng tới cái đẹp, tìm kiếm và sáng tạo cái đẹp. Nhu cầu thị hiếu thẩm mỹ của con người ngày càng cao cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, cho nên việc nhìn nhận và thưởng thức cái đẹp của đại bộ phận nhân dân là vấn đề tất yếu khách quan, không chỉ là đối với người lớn, mà tất cả các đối tượng, từng lớp, lứa tuổi trong xã hội.
Giảng dạy mỹ thuật ở trường THCS cũng nhằm mục tiêu trên. Trong quá trình giảng dạy người giáo viên cần chú ý đặc điểm lứa tuổi học sinh, mỗi lứa tuổi sẽ có cách cảm nhận suy nghĩ và lý giải về cái đẹp khác nhau. Người lớn có cách cảm nhận logic và khoa học tạo nên một cái đẹp hoàn thiện, còn trẻ em thì có cách cảm nhận ngây thơ, nhìn sự vật qua lăng kính màu hồng, không vướng bận những nguyên tắc, trăn trở mà chủ yếu tập trung tình cảm sự yêu thích của mình vào bài vẽ. Cho nên bài vẽ của học sinh thường đem lại cho ta nhiều cảm xúc và tình cảm mới lạ. Nói là vậy nhưng mỗi lứa tuổi, mỗi mức độ cảm nhận của con người mỗi đổi thay. Là người giáo viên dạy mỹ thuật cần nắm bắt được những đặc điểm này của học sinh để có phương pháp giảng day tốt nhất, phát huy được năng lực đam mê của các em. Đây cũng là lý do tôi chọn đề tài :“Tìm hiểu một số nét đặc trưng, ngôn ngữ tạo hình ở học sinh THCS thông qua phân môn vẽ tranh”.
Đó sẽ là cơ sở để tôi có thể là một người giáo viên giảng dạy tốt bộ môn mà mình đã lựa chọn, và không chỉ tôi mà còn những người giáo viên giảng dạy bộ môn này đều cần tìm hiểu, nắm vững vấn đề của đối tượng mình giảng dạy. Tôi hy vọng rằng với đề tài này sẽ giúp ích được một phần nào đó trong công tác giảng dạy của chúng ta. Và chắc rằng đề tài nghiên cứu của tôi vẫn còn nhiều thiếu sót chưa hoàn thiện, tôi mong nhận được sự đóng góp, bổ sung ý kiến để đề tài được phong phú hơn, đầy đủ hơn, và là tài liệu để nghiên cứu trong quá trình giảng dạy bộ môn này.
II. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU
Dạy mỹ thuật cũng như dạy các bộ môn khác đối tượng chủ yếu là học sinh, dạy cho học sinh theo những nội dung yêu cầu chương trình đã quy định. Nhưng dù dạy bất cứ cái gì thì cần phải tìm hiểu rõ đối tượng cần truyền đạt là ai, đối tượng nào, truyền đạt ở mức độ nào.
Ở đây đối tượng của chúng ta là học sinh THCS, mà cụ thể là học sinh THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm lớp 6,7,8. Lứa tuổi từ 11 đến 15 với những đặc điểm tính cách nhận thức riêng. Bộ môn mỹ thuật là môn học mà kiến thức của nó vừa cụ thể, rõ ràng vừa trung trung trừu tượng, khó thấy, khó nhìn, là loại kiến thức có ở xung quanh ta, lấy những sự vật hiện tượng xung quanh ta để diễn đạt. Điều đó đòi hỏi giáo viên ngoài việc phải nắm vửng kiến thức chuyên môn còn cần phải nắm vửng kiến thức ở các bộ môn liên quan như: “Tâm lý học lứa tuổi, Xã hội, Khoa học tự nhiên,…”. Trong đó cái cốt lỏi cần phải nắm là đặc trưng về ngôn ngữ tạo hình của học sinh THCS, cụ thể là ở đề tài nghiên cứu này nằm trong phạm vi phân môn vẽ tranh.
Đặc trưng ngôn ngữ tạo hình của hội họa nói chung bao gồm nhiều yếu tố như tính không gian, tính tạo hình trực tiếp trong đó bao gồm đường nét hình khối, màu sắc,… Và ngôn ngữ tạo hình của học sinh THCS cũng không nằm ngoài những yếu tố đó.
Học sinh THCS có cách nhìn cảm nhận lý giải như thế nào về những sự vật hiện tượng xung quanh về hình khối, màu sắc cảm nhận đó có khác gì so với sự cảm nhận của người lớn, của từng lứa tuổi khác nhau. Nó có những điểm thuận lợi, khó khăn gì và những điểm mạnh, điểm yếu trong cách nhìn nhận, cảm thụ của học sinh THCS. Đó là những điều cần phải nghiên cứu tìm hiểu để bổ sung vào lượng kiến thức chuyên môn cùa người giáo viên giảng dạy bộ môn mỹ thuật
III. NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU
             Xuất phát từ mục đích của việc nghiên cứu là tìm hiểu về ngôn ngữ tạo hình của học sinh THCS để từ đó giáo dục thị hiếu thẩm mỹ cho học sinh thì cần phải tiến hành những nhiệm vụ nghiên cứu sau :
  1. Tìm hiểu tình hình học tập mỹ thuật ở học sinh THCS.
  2. Làm rõ đặc trưng ngôn ngữ tạo hình của học sinh THCS thông qua phân môn vẽ tranh.
  3. Qua đó vận dụng phương pháp dạy học hợp lý, hiệu quả phát huy những ưu điểm và hạn chế những nhược điểm của học sinh.
  4. Đưa ra những yêu cầu và biện pháp có tính khả quan, phát huy năng lực học tập của học sinh, tạo điều kiện cho học sinh tiếp thu tốt hơn tri thức ở các môn học khác.
IV. KHÁCH THỂ VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
  1. Khách thể nghiên cứu
Những giờ học mỹ thuật của các em học sinh lớp 6,7,8 trong phân môn vẽ tranh đề tài ở trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm.
  1. Đối tượng nghiên cứu
Đó là đặc trưng ngôn ngữ tạo hình của học sinh THCS, cách nhìn, cách cảm nhận và lý giải sự vật hiện tượng của bản thân, qua đường nét màu sắc, bố cục. Sự nắm bắt chung về ngôn ngữ hội họa của học sinh THCS.
  1. Phạm vi nghiên cứu
Đối với đề tài này phạm vi nghiên cứu được gói gọn trong phân môn vẽ tranh, ở lớp 6, 7, 8 trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, gồm có vẽ tranh theo đề tài và vẽ tự do, nhưng đa số là vẽ tranh theo đề tài tức là vẽ một đề tài cho trước, theo yêu cầu của chương trình mà không phụ thuộc vào nguời vẽ. Trong mỗi đề tài có nhiều cách thể hiện, tùy vào suy nghĩ tìm tòi, sáng tạo của học sinh mà không em nào giống em nào bởi cách lý giải hiện tượng. VD: Đề tài “Mẹ của em” có thể vẽ chân dung mẹ, những công việc mẹ làm hằng ngày, sự săn sóc của mẹ đối với mình, gia đình và ngược lại,v.v…Vẽ như thế nào, vẽ ra làm sao đều do suy nghĩ tình cảm sự tâm đắc của người vẽ đối với đề tài.
Với đề tài tự do hay nói một cách khác là vẽ theo ý thích của mình, nó phụ thuộc vào người vẽ muốn vẽ cái gì? Cái gì để lại ấn tượng với mình nhất? Và điều đó thôi thúc các em thể hiện ra trong bài vẽ của mình.
Nhưng dù là vẽ tranh theo đề tài hay vẽ tự do thì người vẽ cũng phải nắm bắt được những kiến thức cơ bản và phản ánh cuộc sống suy nghĩ tình cảm thông qua ngôn ngữ tạo hình của bản thân, gửi đến người xem cách nhìn, cách cảm nhận riêng biệt của từng đối tượng cảm thụ sự vật, hiện tượng…
          V. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
  1. Phương pháp quan sát sư phạm.
  2. Phương pháp điều tra sư phạm.
  3. Phương pháp phân tích tổng hợp.
  4. Phương pháp hệ thống hóa.
  5. Phương pháp đặt giải quyết.
  6. Phương pháp khảo sát thực tế.
VI. KẾ HOẠCH VÀ THỜI GIAN NGHIÊN CỨU
Thời gian Nội dung công việc
03/10 – 15/11/2009 Lập đề cương nghiên cứu
15/11 – 28/12/2009 Sưu tầm tài liệu
28/12 – 25/01/2010 Triển khai viết đề tài nghiên cứu
25/01 – 30/01/2010 Đánh máy đề tài
30/01 – 02/02/2010 Hoàn thành đề tài
02/02 – 04/02/2010 Thông qua đề tài nghiên cứu ở Tổ CM
04/02 – 26/02/2010 Thông qua đề tài nghiên cứu ở HĐSP và nộp cho PGD
 

B - NỘI DUNG
CHƯƠNG I
ĐẶC TRƯNG NGÔN NGỮ TẠO HÌNH HỘI HỌA
VÀ TÌNH HÌNH HỌC TẬP Ở TRƯỜNG THCS
I. KHÁI NIỆM VÀ ĐẶC TRƯNG NGÔN NGỮ TẠO HÌNH HỘI HỌA
 * Hội họa là loại hình nghệ thuật dùng các yếu tố cơ bản như đường nét, hình khối, màu sắc, bố cục để xây dựng hình tượng nhằm phản ánh hiện thực.
 * Đặc trưng cơ bản của hội họa đó là tính không gian và tính tạo hình trực tiếp.
 1. Tính không gian 
     Không gian trong hội họa là không gian 3 chiều : chiều rộng, chiều ngang và chiều sâu, chiều sâu do định luật không gian xa gần tạo nên. Không gian trong hội họa rất phong phú có không gian ảo, không gian ước lệ, không gian thật…
 2. Tính tạo hình trực tiếp
     Bằng các yếu tố tạo hình hay nói cụ thể đó là hình và màu gắn liền với canh thị giác của chúng ta. Và hội họa với đặc trưng cơ bản là hình và màu, nó có khả năng phản ánh cuộc sống như chính bản thân cuộc sống vậy, nhưng với tinh thần sáng tạo tuyệt vời của người họa sĩ.
 * Tính tạo hình trực tiếp bao gồm :
     a) Đường nét
     b) Hình khối
     c) Màu sắc
     d) Bố cục
     Là những yếu tố tạo nên đặc trưng ngôn ngữ tạo hình của hội họa khác với các ngành nghề khác;
II. TÌNH HÌNH GIẢNG DẠY VÀ HỌC TẬP MỸ THUẬT Ở TRƯỜNG THCS
 1. Mục tiêu của môn mỹ thuật ở THCS
     Nhấn mạnh vai trò giáo dục thẩm mỹ cho học sinh, tùy theo nhiệm vụ giáo dục mà đưa ra những yêu cầu cụ thể như : “ Phát triển tư duy sáng tạo trí tưởng tượng ở học sinh, hay hiểu và giữ gìn phát triển nền nghệ thuật truyền thống dân tộc…”
 2. Tình hình giảng dạy    
 * Trong đội ngũ giáo viên
    Hiện nay giảng dạy mỹ thuật ở trường THCS đã được cải thiện. Môn học mỹ thuật đã được chú trọng và cũng được coi là một môn chính trong chương trình giảng dạy, cũng như được trải rộng ra các vùng trên đất nước. Tuy nhiên số lượng tiết dạy còn ít, ở các vùng sâu vùng xa còn để trống môn này. Nguyên nhân chính vẫn là thiếu giáo viên, ít có sự quan tâm đầu tư, giáo viên dạy mỹ thuật ở một số trường không có, hay có thì thường được sử dụng vào việc khác như trang trí lễ hội hay dạy trái nghề mình được đào tạo…Mặt khác một số bộ phận giáo viên giảng dạy mỹ thuật ở THCS có phương pháp giảng dạy chưa phù hợp từng phân môn, dẫn đến kết quả bài vẽ không cao. Nguyên nhân cơ bản là giáo viên chưa rõ đặc thù bộ môn để vận dụng một cách hiệu quả nhất.
       Giáo viên mỹ thuật sau khi tốt nghiệp thường không muốn về địa phương hoặc nơi được phân công, thích ở lại thị xã hoặc nơi thành phố làm nghề mỹ thuật ngoài biên chế. Một số giáo viên nặng về truyền thụ kiến thức, bài bản, ít chú ý đến khai thác tính thẩm mỹ trong bài học. Vì vậy bài vẽ của học sinh THCS còn thô cứng, công thức, mà học mỹ thuật thường phải đem lại được cảm giác thoải mái, tự do trong cách suy nghĩ cảm nhận của học sinh. Có như vậy bài vẽ mới sống động tạo nên sự hứng thú và say mê trong học tập, suy nghĩ tìm tòi sáng tạo tìm ra được cái mới cái lạ.              
  * Cơ sở vật chất
    Cơ sở vật chất cho dạy học môn mỹ thuật còn thiếu thốn nghèo nàn, Đến nay vẫn còn nhiều trường không có phòng học riêng để dạy mỹ thuật nói chung, trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm nói riêng nên ảnh hưởng rất nhiều đến việc giảng dạy của giáo viên, có chăng chỉ ở thành phố nhưng chỉ là số lượng ít ỏi trong nhiều ngôi trường trên cả nước. Bộ môn mỹ thuật chủ yếu sử dụng đồ dùng minh họa, các giáo cụ trực quan để đảm bảo cho việc tiếp nhận tri thức, thế nhưng đến nay đồ dùng dạy học cho phân môn mỹ thuật còn thiếu tài liệu và đồ dùng dạy học. Giáo viên phải tự tìm, tự sưu tầm. Cho nên nó chưa đa dạng, đẹp và đảm bảo tính chính xác khoa học, gây hứng thú cho học sinh.
3. Tình hình học tập  
    So với những năm học trước thì việc học mỹ thuật đã được các em yêu thích và quan tâm hơn, dần trở thành nhu cầu được các em tham gia một cách tích cực với sự phản ánh thế giới xung quanh đầy màu sắc trong sáng, tự nhiên và ngây thơ.
    Tuy nhiên vẫn còn đại bộ phận học sinh THCS còn bị ảnh hưởng chi phối đối với các môn học khác, sự say mê với môn mỹ thuật là rất ít, tư tưởng môn chính, môn phụ vẫn còn nặng nề cả trong giáo viên, học sinh và các bậc phụ huynh. Các em phải tập trung vào môn chính, lo cho thi, đánh giá, phần nào bỏ qua sao nhãng việc học mỹ thuật. Mặt khác cơ sở vật chất của trường còn thiếu thốn hạn hẹp cũng là một yếu tố hạn chế sự kích thích hứng thú say mê học tập của các em với các hoạt động tạo hình làm cho cuộc sống tinh thần phong phú hơn.
 
 
 

CHƯƠNG II
MỘT SỐ NÉT ĐẶC TRƯNG NGÔN NGỮ TẠO HÌNH
Ở HỌC SINH THCS THÔNG QUA PHÂN MÔN VẼ TRANH 
I. SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ TẠO HÌNH  
  1. Những nét chung
    Qua lịch sử chúng ta thấy rằng con người bắt đầu vẽ từ rất sớm, trước khi có cả chữ viết và tiếng nói. Trong các hang động ta bắt gặp những hình vẽ hết sức sống động, nhưng những tác phẩm lúc bấy giờ chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu cuộc sống, là trao đổi thông tin với nhau thay thế cho tiếng nói . Ví dụ : “Hình vẽ một quả và mũi tên chỉ vào miệng là quả ăn được” và những hình ảnh chỉ cái không ăn được, cái để làm công cụ …Nói như vậy tức là vẽ xuất hiện từ rất sớm, nhưng con người chưa ý thức được vẽ đẹp ý nghĩa hình khối, màu sắc và tác dụng của nó đối với đời sống tinh thần, chỉ đơn thuần vẽ để đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin.
    Cũng tương tự như thế, với trẻ em những nét vẽ ngằn ngoèo và những màu sắc trắng, đỏ, xanh được trẻ em đặt cạnh nhau làm cho trẻ có vẽ thích thú, nhưng chúng ta cũng không thể coi đó là vẽ mà đúng hơn là trẻ đang hoạt động để tự hoàn thiện và phát triển cơ bắp, hoạt động này chỉ được xem là hoạt động bản năng. Nó chỉ có thể coi là hoạt động vẽ khi bắt đầu ý thức được vẽ đẹp màu sắc, hình khối, đường nét…và hình vẽ của trẻ ngày càng được hoàn thiện hơn, nhiều chi tiết hơn, là phương tiện để diễn tả thế giới xung quanh đầy màu sắc theo suy nghĩ sự cảm nhận và lý giải của bản thân.
  2. Cách nhìn và cách cảm nhận             
     Ở từng lứa tuổi thì sẽ có những cách nhìn và cách cảm nhận khác nhau, tạo nên những nét đặc trưng ngôn ngữ tạo hình riêng của từng lứa tuổi, nó khác với những nhà họa sĩ người nghiên cứu, khác với người lớn, thầy cô giáo. Cùng với thời gian và sự phát triển trí tuệ, nét vẽ bài vẽ của trẻ ngày một khác hơn gần giống với thật hơn, vẽ như thế nào cho đẹp cho đúng đã được trẻ quan tâm và tìm hiểu.
    Và ở mỗi người thì sự cảm nhận cách lý giải sự vật hiện tượng cũng khác nhau. ở mỗi thời điểm khác nhau trẻ 1-2 tuổi sẽ nhìn sự vật khác với trẻ 5-6 tuổi cũng như 10-11 tuổi. Sự thay dổi đi cùng vói sự phát triển trí tuệ và đối tượng. Có trẻ thích vẽ và tiếp tục phát triển với khả năng của mình nhưng có trẻ lại không, đến một giai đoạn nào đó lại chuyển hoạt động, không còn thích thú với hoạt động vẽ nữa. Điều đó cho ta thấy rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến cách nhìn, cách cảm nhận của trẻ. Trong đó sự phát triển là yếu tố để hình thành ngôn ngữ tạo hình của trẻ trong từng giai đoạn nói chung.
II. NGÔN NGỮ TẠO HÌNH Ở HỌC SINH THCS QUA PHÂN MÔN VẼ TRANH           
  1. Khả năng cảm nhận của học sinh THCS
   1.1 Đặc điểm tâm lý
      Lứa tuổi học sinh THCS tuổi từ 11-15 đang theo học từ lớp 6-9 là lứa tuổi bướng bỉnh khó bảo với sự mạnh mẽ về tâm sinh lý, biểu hiện tình cảm rõ ràng, sự yêu, sự ghét đồng thời có biểu hiện của sự e thẹn, ngại ngùng làm ảnh hưởng đến kết quả bài vẽ của các em. Trong quá trình làm bài các em thường che bài vẽ của mình không để thầy cô giáo thấy, đồng thời cảm giác mình đã lớn nên các em muốn độc lập trong bài vẽ của mình, muốn thể hiện bản lĩnh của bản thân rằng mình sẽ làm được, sẽ vẽ được. Nhưng khi bắt tay vào bài vẽ thì đa số các em không thể hiện được ý tưởng của mình, vì sao ?.
      Sự phát triển thể chất tâm lý, trí tuệ mạnh mẽ nhưng không đồng đều. Đa phần các em còn bỡ ngỡ, vụng về trong khi vẽ, điều chỉnh hình thành vẽ nét bút không theo suy nghĩ của bản thân, và lứa tuổi này còn ở tuổi ăn, tuổi ngủ, ham thích vui chơi hoạt động. Do đó trong bài vẽ đặt biệt là các bức tranh đề tài thể hiện rõ dấu ấn của sự trẻ trung, hồn nhiên, ngây thơ, ngộ nghĩnh và hết sức chân thành.
      Ở học sinh THCS đa số các em thích vẽ theo suy nghĩ, ý thích của mình hơn là vẽ theo sự hướng dẫn của giáo viên. Các em nghĩ gì thì vẽ nấy, đặt bút vào là vẽ không theo trình tự khuôn khổ các bước vẽ. Chính vì vậy người giáo viên giảng dạy môn mỹ thuật phải hiểu và hướng dẫn các em dần dần, để các em nắm bắt và thấy được tác dụng của việc vẽ tranh “đúng” đem lại cho bài vẽ của mình có một kết quả tốt hơn.
   1.2 Khả năng cảm nhận trong phân môn vẽ tranh của học sinh THCS
      Vẽ tranh đề tài cũng rất thu hút học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm theo phiếu điều tra tại lớp 71 có hơn 80% học sinh thích thú với phân môn vẽ tranh. Học sinh THCS có ngôn ngữ tạo hình có gì đó rất đơn giản, nhưng cũng rất sáng tạo và phong phú. Các em thường vẽ tranh theo nhiều nội dung đề tài khác nhau, một số em cũng tìm cho mình được nội dung và cách thể hiện rất dí dỏm, có nhiều bố cục lạ, đẹp mắt nhưng cũng không ít bố cục thể hiện sự lỏng lẻo, vụng về, lúng túng của các em trong khi xây dựng bố cục bài vẽ. Về hình tượng thì đa phần các em chưa có suy nghĩ tìm tòi về dáng, hình, động tác và nhất là đặc điểm điển hình trong từng loại đề tài hay nội dung mà các em đã chọn. Bởi hình tượng các em chọn để vẽ còn chung chung, thiếu cái động, tĩnh, thiếu chiều sâu bức tranh. Các em vẽ tranh dơn giản chỉ là kể, tả lại những hoạt động, động tác của nhân vật, người hay vật hoặc một quang cảnh nào đó. Đa số học sinh thể hiện màu sắc  trong tranh thường rực rỡ, đôi khi trở nên đối lập về màu sắc khiến cho tranh trở nên khô cứng ngay cả tranh vẽ về đề tài thơ mộng. Những đề tài được các em ưa thích nhất thường là tranh phong cảnh, bởi vì đó là những thứ gần gũi được các em quan sát, thu nhận một cách thường xuyên, thể hiện trí tưởng tượng ghi nhớ của các em hết sức phong phú đa dạng. Nghệ thuật ngôn ngữ tạo hình cũng từ đó mà được hình thành, bộc lộ với những đặc trưng riêng của từng lứa tuổi.
      Chất liệu mà các em thể hiện chủ yếu là bút dạ, màu nước ngoài ra còn có búp sáp và màu bột. Chính vì thế mà tranh của các em thường là những gam màu rất sống động, tươi vui. Vì vậy đa phần những bài vẽ của các em có sự chênh lệch về gam màu đậm, nhạt rất lớn, nhưng nhìn chung các em đã thể hiện được đâu là hình ảnh chính, hình ảnh phụ trong bài vẽ tranh để tô màu.
    2. Hứng thú học tập trong phân môn vẽ tranh ở học sinh THCS
      Nhìn chung phân môn này được đông đảo học sinh ưa thích bởi tính tự do ít gò bó. Nói như vậy nhưng dù ít, dù nhiều thì vẽ tranh cũng phải tiến hành theo các bước, và cũng có những cách thức riêng mà tùy vào đặc điểm ngôn ngữ tạo hình của từng lứa tuổi, từng giai đoạn mà cách thể hiện và sử dụng khác nhau. Tuy nhiên ở đây chúng ta tìm hiểu lứa tuổi học sinh THCS trong phạm vi phân môn vẽ tranh với những nội dung cụ thể sau :
     2.1 Về bố cục
      Bài vẽ tranh đề tài của các em học sinh Trrường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm chủ yếu khối 6,7,8. Điểm chung nổi bậc của các em khi tiến hành bài vẽ là không theo trình tự các bước vẽ, nhiều em vẽ thẳng hình vào giấy nghĩ gì là thể hiện ra mà không cần chú ý đến bố cục, sắp xếp chính phụ, dẫn đến bố cục bị to, bị lệch. Có em thì bố cục lỏng lẻo, có em lại chật chội…dẫn đến kết quả bài vẽ không cao. Ý thức về bố cục của các em chưa được rõ ràng. Bố cục như thế nào là đẹp ? Và như thế nào là bố cục ? Có nhiều em hiểu rằng bố cục là sự sắp xếp các mảng chính phụ sao cho hợp lý, các mảng không đều nhau, mảng chính trước, mảng phụ sau, nhưng khi làm bài thì lại bỏ qua một bên không cần biết chính phụ là gì. Điều đó cho ta thấy giữa thực hành và lý thuyết còn cả một khoảng cách lớn đối với các em, có lẻ thực hành là một chuyện, lý thuyết lại là một chuyện khác, cái cốt yếu là các em thích thì các em vẽ. Nói thế nhưng cũng có một số em ý thức được bố cục đẹp và hợp lý đem lại kết quả cao cho bài vẽ.
     2.2 Về đường nét
      Đa số các em đã biết kết hợp giữa các nét cong mềm mại để vẽ người và nét thẳng để vẽ nhà cửa và một số cảnh vật, kết hợp những nét cong mềm mại và những nét thẳng chắc khỏe. Tuy nhiên để bắt đầu bài vẽ các em thường đi ngay vào những nét vẽ chính không có sự phát nét trước, nét vẽ thiếu sự dứt khoát linh hoạt và còn lưỡng lự, khô khan nét vẽ cứng. Đặc biệt khi vẽ khuôn mặt hay chân tay của người thì đa phần các em chỉ vẽ mô phổng tượng trưng là chủ yếu, nhưng đó cũng là cái riêng ở lứa tuổi các em, làm cho bức tranh của các em có vẽ gì đó ngộ nghĩnh, dí dỏm, hồn nhiên.
      Vì vậy mà người giáo viên phải biết được đặc trưng đường nét ở lứa tuổi của các em để có cách nhận xét đánh giá cho phù hợp. Tuy nhiên cũng cần có phương pháp nắm bắt và uốn nắn tỉ mĩ cho các em, để các em vẽ bài linh hoạt hơn, nâng cao kỹ năng vẽ hình cho các em.
   2.3 Về hình khối
      Đa số các em ở học sinh THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm khi vẽ tranh đề tài đều không chú ý đến hình khối, vẽ chỉ là một mảng bẹt, thiếu chiều sâu cho không gian. Thực tế các em khi vẽ người hay cảnh vật chỉ chú ý diễn tả chiều rộng và cao của nhân vật, chiều sâu do định luật xa gần tạo nên các em không nắm bắt được…có chăng chỉ diễn tả được rất ít rằng người ở gần thì to, người ở xa thì nhỏ, còn lại đều ngang nhau cùng nằm trên một mặt phẳng, nó mang tính chất trang trí là chủ yếu kết hợp với những đường viền đậm. Một điều đáng lưu ý nữa là khi các em vẽ tranh đề tài ; thì từ bước 1 phác bố cục nhưng khi sang bước 2 vẽ hình thì đa số các em không thực hiện theo trình tự các bước. Vì vậy hình vẽ thường vượt ra khỏi bố cục đã phác, hoặc nhỏ hơn dẫn đến hình vẽ không cân đối.
    2.4  Về màu sắc
       Màu sắc là yếu tố đặc biệt tạo được hứng thú nhất cho học sinh, phần lớn do màu sắc là yếu tố tác động mạnh đến canh thị giác của con người, nhất là lứa tuổi học sinh THCS đại đa số các em thích vẽ màu, đặc biệt là ở phân môn vẽ tranh. Phần vẽ hình vẽ đường nét được các em vẽ nhanh, và các em dành phần lớn thời gian để vẽ màu. Vẽ màu kĩ, những màu sắc sặc sở, bắt mắt thường là những màu được các em sử dụng nhiều nhất, một số học sinh có cách nhìn màu tốt hơn, sự cảm thụ màu hết sức nhạy cảm. Các em đã bắt đầu có sự suy nghĩ tìm tòi, đầu tư về màu sắc trong bài vẽ của mình. Một số em đã biết cách pha màu, chồng màu kéo màu từ mảng chính ra xung quanh một cách hợp lý, làm nỗi bật trọng tâm bài vẽ nhưng vẫn tạo được sự hài hòa về màu sắc.
      Tuy nhiên nhiều em còn chưa thể hiện được độ đậm nhạt ở trong bức tranh làm cho bức tranh đều đều màu sắc dàn trải, không tạo được chiều sâu của bức tranh là : “Gần thì tỏ”, “Xa thì mờ”. Nên đa phần tranh của các em mang đậm tính chất trang trí.
       Màu sắc nổi bậc ở đây là gam màu tươi vui sống động, màu sắc trẻ trung, nhưng cũng có những bài có gam màu hài hòa, nhẹ nhàng trong sáng…
 
 

CHƯƠNG III

THỰC TRẠNG VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC
       Qua việc tìm hiểu đặc trưng ngôn ngữ tạo hình trên ta thấy rằng việc nắm bắt vấn đề và tìm phương hướng giải quyết vấn đề đó là một đều hết sức quan trọng, đảm bảo cho tiết dạy, bài dạy đạt hiệu quả hơn, đem lại sự thành công trong công tác giảng dạy.
I. THỰC TRẠNG HỌC TẬP
   1/ Học sinh chưa nắm bắt được cách xây dựng hình tượng điển hình, bài vẽ còn chung chung, mang nặng tính chất hình thức.
   2/ Học sinh THCS có cách nhìn, cách cảm nhận về màu hết sức trong sáng, lung linh đầy màu sắc, là sự kết hợp những màu sắc tươi sáng tạo sự trẻ trung cho bài vẽ.
   3/ Trong khi tiến hành bài vẽ các em không theo trình tự tiến hành các bước làm bài, mà làm theo ngẫu hứng, thích vẽ cái gì thì vẽ cái nấy, ít chú trọng đến trước, sau hay chính, phụ trong bài vẽ.
   4/ Học sinh THCS chưa có thói quen sưu tầm tài liệu phục vụ cho bài vẽ hiệu quả hơn, và chưa có thói quen quan sát nhận xét sự vật hiện tượng cho bài vẽ có chiều sâu và hiệu quả hơn.
   5/ Kỹ năng sử dụng màu nước, màu bột của học sinh THCS còn kém.
     Từ những vấn đề cơ bản đó thì đối với phân môn vẽ tranh, phương pháp giảng dạy phù hợp là :
  • Phương pháp quan sát
  • Phương pháp liên hệ với thực tiễn cuộc sống.
  • Phương pháp gợi mỡ.
  • Phương pháp vấn đáp.
  • Phương pháp luyện tập…
        Vẽ tranh đề tài thì việc liên hệ với thực tiễn cuộc sống là một điều hết sức quan trọng, đảm bảo cho việc tìm và lựa chọn hình tượng được sâu sắc hơn, nêu rõ trọng tâm đề tài hơn.
II. BIỆN PHÁP GIÚP HỌC SINH HỌC TỐT VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG BÀI VẼ Ở PHÂN MÔN VẼ TRANH
  1.  Chuẩn bị
       Trước khi dạy một bài vẽ tranh đề tài thì khâu chuẩn bị là rất quan
trọng nhất là đồ dùng dạy học.
    * Về phía giáo viên : ngoài việc chuẩn bị giáo án, phương pháp dạy học thì một điều không thể thiếu đó là đồ dùng trực quan : ( Tranh, ảnh minh họa ) vì ở lứa tuổi trẻ em thì tranh ảnh nó có tác dụng rất mạnh đến canh thị giác và trí nhớ của các em. Do vậy cần phải có đồ dùng trực quan phong phú và phải biết sử dụng đúng lúc.
    * Về phía học sinh  : cũng phải có sự chuẩn bị đầy đủ như : sách, vở, giấy vẽ, màu, chì tẩy, những đồ dùng học tập cần thiết, ngoài ra phải tìm hiểu và quan sát tham khảo những đề tài mà mình sẽ thể hiện trước khi làm bài.
      Khi soạn giáo án người giáo viên cần soạn kỹ biết chắt lọc những lời thoại, câu hỏi chính và câu hỏi gợi mỡ phải rõ ràng dễ hiểu nhằm tạo hứng thú và sôi nổi trong từng đối tượng học sinh. Nên tránh những câu hỏi dài khó hiểu và những câu hỏi lửng.
     + Đối với học sinh kém cần gợi mở cụ thể hơn giúp các em nhận ra chổ chưa đúng, chưa đẹp để bài vẽ đẹp hơn. Ví dụ : Bố cục có lỏng lẻo quá không? hay màu sắc có lộn xộn quá không ?...
     + Đối với học sinh khá, trung bình thì có thể gợi mở để các em tự tìm ra, tự điều chỉnh hay sửa chữa. Ví dụ: chỗ này, màu này như thế nào? Làm sao cho bài vẽ đẹp hơn?.
     + Đối với học sinh giỏi thì yêu cầu cao hơn. Ví dụ : Thử tìm xem bài vẽ có chỗ nào chưa hợp lý? Có thể vẽ khác được không?.
     Để phục vụ cho quá trình lên lớp tốt, thì người giáo viên cần phải có thời gian và quá trình thâm nhập giáo án kỹ càng, phải nắm vững tiến trình bài dạy. Để vừa đảm bảo tiến trình bài dạy vừa giúp học sinh tiếp thu bài một cách có hiệu quả nhất, và điều cốt yếu nhất là phát huy tính tích cực sáng tạo của từng em, đồng thời phải tạo được bầu không khí vui vẻ, thoải mái trong khi các em làm bài.
     Giáo viên phải dự kiến trước các tình huống sư phạm có thể xảy ra và cách giải quyết hiệu quả các tình huống đó.
     Giáo viên phải phân tích kỹ các bước tiến hành một bài vẽ tranh đề tài phải thực hiện theo những bước nào? Những bước đó là gì? và  kết hợp đồ dùng minh họa để học sinh dễ nhớ, dễ nắm bắt, một số bài vẽ của học sinh lớp trước để các em có thể thấy được mức độ thể hiện bài, tham khảo tranh của các họa sĩ về nội dung. Tùy vào số lượng bài mà những bài sau có thể giảm thời lượng lý thuyết và tăng dành thời gian cho thực hành, hướng các em đi vào trình tự các bước vẽ tranh.
     Vận dụng triệt để lợi thế khoa học công nghệ thông tin, sẽ đem lại hiệu quả cao trong công tác giảng dạy. Cho nên là người giáo viên nói chung, giáo viên giảng dạy mỹ thuật nói riêng cần phải nhanh chóng tiếp cận nắm bắt những lợi thế mà khoa học đem lại, để tạo hứng thú và sự đổi mới trong cách giảng dạy.
  1.  Phần lên lớp
Giáo viên phải linh hoạt trong thời gian lên lớp, phải đảm bảo quy trình thời gian, phân chia lớp hợp lý, giúp các em nhận thức và hiểu được bài học ngay tại lớp, giúp các em vẽ được một bài vẽ tranh theo ý thích đúng quy trình thực hiện các bước vẽ.
 + Hướng dẫn học sinh khai thác nội dung :
Qua hình minh họa, giáo viên gợi ý giúp các em hiểu sâu hơn về đề tài, tìm ra được cách thể hiện ( cách vẽ ) khác nhau, tìm ra những ý tưởng hay, dí dỏm cho tranh vẽ của mình.
 + Hướng dẫn học sinh cách vẽ :
Nên giới thiệu qua đồ dùng minh họa và kết hợp trực tiếp minh họa bảng để học sinh nhận thức rõ ràng hơn trình tự các bước cũng như ưu điểm khi tiến hành theo trình tự các bước đem lại. Nói cụ thể hơn khi chỉ là những lý thuyết sáo rỗng. Nếu như giới thiệu nội dung rồi mới chỉ vào tranh, e rằng học sinh không chú ý không nhận ra được cách tiến hành ( đâu là mảng, đau là hình trong mảng).
 

 
- Bước 1 : Tìm, chọn nội dung : mà mình yêu thích nhất 
- Bước 2 : Tìm bố cục : phác mảng chính, phụ sao cho hợp lý, cân đối với tờ giấy vẽ, rõ trọng tâm, nội dung thể hiện được chủ đề.
     - Bước 3 : Vẽ hình : phải rõ đặc điểm của đối tượng không vẽ chung chung.
- Bước 4 : Vẽ màu thì không vẽ hình quá chi tiết cụ thể sẽ rất khó để thể hiện, màu có thể vẽ như thực hoặc theo cảm hứng, song cần chú ý: tương quan giữa các màu, không vẽ độc lập từng màu, chú ý độ đậm nhạt của các gam màu để thể hiện được tính chất bài vẽ.
 + Hướng dẫn học sinh làm bài :
Giáo viên cố gắng làm việc với nhiều học sinh và bao quát tổng thể lớp giúp các em tìm cách thể hiện ý tưởng của mình, bố cục mảng vẽ hình tìm màu. Dùng phương pháp gợi mở trong khi hướng dẫn học sinh vẽ tranh sẽ đạt hiệu quả cao hơn.
Bên cạnh đó phương pháp giảng dạy phù hợp ở phần thực hành cũng rất quan trọng. Cần xác định được nội dung kiến thức trọng tâm và yêu cầu hợp lý với đối tượng học sinh.
Luôn tạo được bầu không khí thoải mái nhẹ nhàng vui vẻ trong từng tiết dạy theo đặc điểm riêng của từng phân môn.
Phải dự kiến được các tình huống sư phạm có thể xảy ra và xử lý linh hoạt đem lại hiệu quả giáo dục cao. Ngoài ra cần phải cho học sinh thấy được tầm quan trọng của việc nắm vững kiến thức lý thuyết, vận dụng kiến thức vào bài vẽ một cách linh hoạt, không máy móc để làm cho bài vẽ sống động hơn, có hồn hơn và tiến tới việc nắm bắt cách thức sáng tạo một bức tranh riêng đi sâu vào chuyên ngành mình lựa chọn.
 
 
 

PHIẾU THĂM DÒ
  1. Trong các phân môn vẽ tranh em thích phân môn nào nhất?
    a) Vẽ trang trí                                        b) Vẽ theo mẫu
    c) Thường thức mỹ thuật                       d) Vẽ tranh đề tài
 
  2.  Trong các bước vẽ tranh đề tài em thấy bước nào khó nhất? Vì sao?
……………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………
  3. Em thích nhất thể loại đề tài nào? Vì sao?
………………………………………………………………………………   …………………………………………………………………………………
4. Em thường sử dụng những màu gì khi vẽ tranh? Màu sắc đó tạo cho em cảm giác như thế nào? Em có suy nghĩ tính toán gì khi vẽ màu không?.
………………………………………………………………………………..…………………………………………………………………….………….
  5. Theo em đề tài vẽ tranh có phong phú không?
A) Có                                                     b) Không
  6. Khi vẽ tranh em có theo trình tự các bước vẽ không? Khi đi theo trình tự các bước vẽ em cảm thấy như thế nào ?
………………………………………………………………………………..………………………………………………………………………………..

III. MỘT SỐ BÀI HỌC KINH NGHIỆM ;
Trong suốt quá trình thực hiện đề tài : “ Tìm hiểu một số nét đặc trưng ngôn ngữ tạo hình ở học sinh THCS thông qua phân môn vẽ tranh ” Bản thân tôi đã rút ra được một số bài học kinh nghiệm sau :
1. Để đạt được sự thành công của một giờ dạy, trước hết người giáo viên phải có tâm huyết trăn trở, suy nghĩ, làm thế nào để sử dụng các phương pháp tác động phù hợp với trình độ hiểu biết của học sinh, cho học sinh dể hiểu, gợi được húng thú học tập. Điều đó thể hiện kỹ năng xác định mục tiêu rõ ràng, chính xác, không được lẫn lộn giữa kiến thức, kỹ năng và thái độ.
2. Biết sử dụng các phương pháp mới (nhóm - thảo luận kèm theo phiếu bài tập) cho học sinh tự thân vận động. Giáo viên chỉ tổ chức hoạt động, gợi ý cho học sinh làm bài, kích thích tính tích cực học tập của học sinh.
3. Phải chú ý đến hệ thống câu hỏi trong các hoạt động, nên sử dụng ĐDDH ở hoạt động nào, nên minh họa bảng ở hoạt động nào cho hợp lý.
4. Không ngừng tìm tòi, khám phá, học hỏi những kinh nghiệm của những người đi trước. Đồng thời phải thường xuyên thay đổi phương pháp soạn giảng, phát huy tối đa khả năng của học sinh.
5. Người giáo viên không ngừng học tập để nâng cao trình độ hiểu biết của bản thân, tiếp thu những trí thức mới trong thời đại mới, sẵn sàng giải quyết ổn thỏa bất kỳ một tình huống khó khăn nào đó trong dạy học cũng như trong cuộc sống. Vì chung quy lại, người giáo viên là tất cả cho thế hệ tương lai.

C - KẾT LUẬN
I.  KẾT LUẬN
      Mỹ thuật là loại hình nghệ thuật tạo ra cái đẹp. Vì vậy dạy mỹ thuật nói chung và phân môn vẽ tranh nói riêng cần phải làm cho học sinh phấn khởi mong muốn vẽ đẹp, thể hiện cảm xúc của mình qua bài vẽ. 
       Qua đề cương nghiên cứu khoa học này giúp các em học sinh hứng thú học tập hơn, 85% học sinh trong lớp hiểu bài, khoảng 80% hoàn thành được kỹ năng như giáo viên mong muốn.
       Phân môn vẽ tranh hoạt động thực hành là chủ yếu, vì vậy cần luyện tập nhiều bài. Trong khi dạy học sinh làm bài, giáo viên cần bao quát lớp để theo dõi giúp đỡ, gợi ý, điều chỉnh, bổ sung những gì cần thiết. 
      Qua đề tài nghiên cứu này tôi nhận thấy rằng người giáo viên đứng lớp không chỉ truyền đạt kiến thức đầy đủ cho học sinh mà phải gần gủi với học sinh, nắm bắt được tâm tư tình cảm của các em, biết được từng đối tượng học sinh để có cách xử lý phù hợp với từng trường hợp xảy ra, luôn trăn trở với công tác giảng dạy của mình làm thế nào để tiết dạy có hiệu quả nhất. Vì sao các em thể hiện bài vẽ như thế này? Mà không như thế kia? Do đâu? Cần bổ sung và sữa chữa những vấn đề gì?...Chính điều đó làm cho tôi thầm nghĩ , ngay từ bây giờ mình phải cố gắng rèn luyện tất cả các mặt nhiều hơn nữa để xứng đáng là người giáo viên tương lai, trao dồi những kiến thức, học hỏi bạn bè, đúc rút kinh nghiệm tạo cho mình một phong thái khi đứng lớp, tạo điều kiện đầy đủ để có thể đáp ứng yêu cầu giảng dạy, xứng đáng là người giáo viên của thời đại mới.                          
II. ĐỀ XUẤT
- Hiện nay phương tiện dạy học cũng như tài liệu tham khảo đối với giáo viên còn ít. Giáo viên dạy chủ yếu theo phương pháp thuyết minh, không gợi được hứng thú học tập của học sinh, không phát huy hết được tính tích cực chủ động sáng tạo của các em trong giờ học.
- Các hoạt động dạy học và hệ thống câu hỏi phải phù hợp với nội dung và tùy theo trình độ nhận thức của các em.
  * Đối với giáo viên THCS  : phải luôn quan tâm nhiều hơn đến phương pháp sử dụng ĐDDH, chú ý phát huy tính tích cực học tập của học sinh bằng cách thiết kế phiếu bài tập (PBT) sử dụng phương pháp nhóm trong phân môn vẽ tranh đề tài, tạo cho các em làm việc theo tinh thần nhóm.
   * Đối với Trường THCS :
- Phải đầu tư cơ sở vật chất : phương tiện dạy học hiện đại ( máy móc, đèn chiếu,máy castset, video, băng đĩa…).
- Vật mẫu vẽ, bục vẽ, bảng vẽ, tranh mẫu…
- Tổ chức thường xuyên các buổi học chuyên đề về soạn giảng, thay đổi phương pháp một cách nhịp nhàng, cho học sinh khỏi nhàm chán.
         Thông qua đề xuất này tôi muốn đề nghị với Bộ Giáo Dục – Đào Tạo tăng chí phí viện trợ cho các trường THCS, tăng thêm những phương tiện cần thiết cho việc giảng dạy.
 
 
 
LỜI CẢM ƠN
Nghiên cứu đề tài này rất có ích đối với bản thân tôi và các đồng nghiệp, giúp nắm vững hơn đặc điểm tạo hình của học sinh THCS, tích lũy kiến thức phục vụ cho công tác giảng dạy sau này.
Qua đây tôi cũng xin chân thành cảm ơn Ban Giám Hiệu nhà trường,  các thầy cô giáo và cùng tất cả các em học sinh lớp 6,7,8,9 Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm đã giúp đỡ, tạo điều kiện để tôi hoàn thành đề tài này.
          Với đề tài nghiên cứu khoa học này, không tránh khỏi những sai sót. Tôi rất mong các thầy cô giáo và các bạn thích tìm hiểu đặc điểm tạo hình của phân môn vẽ tranh góp ý để đề tài được hoàn thiện hơn.Tôi xin chân thành cảm ơn.
 
                                                                                   Người thực hiện
 
                                                                                     Trầm Kỳ Sanh 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
D - TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Giáo trình phương pháp dạy học mỹ thuật - Nhà xuất bản ĐHSP.
  2. Mỹ thuật và phương pháp dạy học - Tiến sĩ Phạm Thị Chính, Nguyễn Quốc Toản.
  3. Mỹ thuật 6,7,8 (sách giáo khoa, sách giáo viên) - Nhà xuất bản Giáo Dục.
  4. Phương pháp giảng dạy Mỹ thuật - Nguyễn Quốc Toản.(Nhà xuất bản Giáo Dục - Đào Tạo Giáo viên THCS)
  5. Tự học vẽ - Phạm Viết Song.
  6. Tạp chí Mỹ thuật - Nhà xuất bản Mỹ thuật.
  7. Trí tưởng tượng và sáng tạo ở tuổi thiếu nhi - ( L.XVUGOTXKI ).
  8. Giáo trình bố cục - Đàm Luyện.
  9. Tâm lý học lứa tuổi
 
 

MỤC LỤC
LỜI NÓI ĐẦU……………………………………………………………….1
A – PHẦN MỞ ĐẦU………………………………………………...............3
I. Lý do chọn đề tài…………………………………………………….3
II. Mục đích nghiên cứu………………………………………………..4
III. Nhiệm vụ nghiên cứu………………………………………………5
IV. Khách thể và phạm vi nghiên cứu………………………………….5
V. Phương pháp nghiên cứu……………………………………………6
VI. Kế hoạch và thời gian nghiên cứu………………………………….7
B – NỘI DUNG………………………………………………………………8
CHƯƠNG I : ĐẶC TRƯNG NGÔN NGỮ TẠO HÌNH HỘI HỌA VÀ TÌNH HÌNH HỌC TẬP Ở TRƯỜNG THCS…………………………….8
I. Khái niệm và đặc trưng ngôn ngữ tạo hình hội họa………………….8
         II. Tình hình giảng dạy và học tập mỹ thuật ở trường THCS…………..9
CHƯƠNG II : MỘT SỐ NÉT ĐẶC TRƯNG NGÔN NGỮ TẠO HÌNH Ở HỌC SINH THCS THÔNG QUA PHÂN MÔN VẼ TRANH………11
I. Sự hình thành và phát triển ngôn ngữ tạo hình……………………..11
      II. Ngôn ngữ tạo hình ở học sinh THCS thông qua phân môn vẽ tranh.12
  CHƯƠNG III : THỰC TRẠNG VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC…….17
I. Thực trạng học tập………………………………………………….17
II. Biện pháp giúp học sinh học tập và nâng cao chất lượng bài vẽ ở phân môn vẽ tranh…………………………………………………….18
III. Một số bài học kinh nghiệm………………………………………23
C – KẾT LUẬN…………………………………………………………….24
           I. Kết luận…………………………………………………………….24
           II. Đề xuất…………………………………………………………….24
D – TÀI LIỆU THAM KHẢO……………………………………………..26
PHỤ LỤC…………………………………………………………………...28
PHỤ LỤC
MỘT SỐ BÀI VẼ TRANH CỦA HỌC SINH
TRƯỜNG THCS NGUYỄN BỈNH KHIÊM
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Video Clips
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập13
  • Hôm nay693
  • Tháng hiện tại24,497
  • Tổng lượt truy cập3,652,734
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá yếu tố nào quan trọng nhất trong quá trình học tập ?

Văn bản PGD

702/SGDĐT-GDTrHTX

Ngày ban hành: 02/04/2024. Trích yếu: Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Dương thông báo công khai danh sách các trung tâm ngoại ngữ, tin học, cơ sở giáo dục kỹ năng sống trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã được cấp phép theo thẩm quyền.

Ngày ban hành: 02/04/2024

KH số 37/KH-PGDĐT

Ngày ban hành: 21/06/2024. Trích yếu: Tuyển sinh MN

Ngày ban hành: 21/06/2024

QĐ số 66/QĐ-PGDĐT

Ngày ban hành: 12/06/2024. Trích yếu: Công nhận BDTX THCS

Ngày ban hành: 12/06/2024

QĐ số 65/QĐ-PGDĐT

Ngày ban hành: 12/06/2024. Trích yếu: công nhận BDTX MN

Ngày ban hành: 12/06/2024

CV số 112/PGDĐT-GDTH

Ngày ban hành: 03/06/2024. Trích yếu: Tổ chức giữ trẻ ...

Ngày ban hành: 03/06/2024

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây