(Tamnhin.net)- “Văn hóa ứng xử học đường ở Việt Nam đã ở vào cấp độ báo động đỏ. Quá nhiều hành vi thiếu văn hóa của học sinh và của cả giáo viên. Văn hóa học đường đang xuống cấp trầm trọng là sự xuống cấp đáng sợ nhất của cả một nền giáo dục!”
Xin được trích dẫn lời chia sẻ của chị Phạm Thị Thúy, một nhà xã hội học đồng thời là nhà giáo, nhà tư vấn tâm lý đầy tâm huyết và trách nhiệm với thế hệ trẻ để thấy rằng dù biết là muộn nhưng cả xã hội cần phải có trách nhiệm, phải cùng bắt tay ngay, phải cùng đồng hành trong cuộc chiến chấm dứt nạn bạo lực học đường và giáo dục lại văn hóa ứng xử cho thế hệ trẻ.
Theo thống kê của Bộ GDĐT, từ đầu năm học 2009 – 2010 đến nay, cả nước đã xảy ra 1.598 vụ học sinh (HS) đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Trong những năm gần đây, số lượng học sinh cũng như giáo viên bị kỷ luật, bị buộc thôi học hoặc bị ra khỏi ngành giáo dục vì văn hóa ứng xử và tư cách đạo đức “có vấn đề” gia tăng đến mức báo động.
Tại buổi giao lưu nói chuyện cùng với nhà trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (Dầu Tiếng, Thủ Đức) hôm 14/4 về chủ đề "Nét đẹp học đường"; Giáo sư – Tiến sĩ Trần Văn Khê, một trái tim lớn của âm nhạc dân tộc nước nhà, một nhà văn hóa lớn của dân tộc nhưng luôn quan tâm rất sát sao về văn hóa ứng xử của giới trẻ ngày nay, ông nói: Ngày xưa, không bao giờ có cảnh trò vô lễ với thầy. Đối với trò, “một chữ cũng là thầy mà nửa chữ cũng là thầy”. Không bao giờ trò dám cãi tay đôi với thầy chứ nói gì đến chuyện đánh thầy và ngược lại, những người thầy luôn có ý thức mình phải làm gương cho học trò, giữ khoảng cách thầy trò đúng đạo.
Nhưng ngày nay, Giáo sư (Gs) nói ông thấy rất xót xa và kinh hoàng khi hàng ngày hàng giờ nghe những tin như trò thuê xã hội đen đánh thầy, thậm chí có thể giết thầy chỉ vì một bất đồng rất nhỏ. Và càng đau xót hơn và đáng sợ hơn khi có những người thầy người cô chỉ vì những ham muốn cá nhân mà đánh đổi nhân cách của chính mình và làm hại đến cả những học sinh v.v….
Những hành động mất hẳn tính nhân văn như vậy chẳng phải là sự xuống cấp đáng sợ nhất của cả một nền giáo dục?
Cả xã hội phải cùng đồng hành
Bằng tất cả tấm lòng và tình yêu đối với thế hệ trẻ, Giáo sư Khê khẳng định trách nhiệm thuộc về những người làm cha mẹ, những thầy cô giáo ươm mầm xanh cho xã hội.
Giáo sư Khê nói: Con trẻ vô cảm, con trẻ thiếu hiểu biết hay kém văn hóa ứng xử… đều do người lớn không biết cách giáo dục, không biết cách ươm mầm nhân cách sống có văn hóa cho các em ngay từ khi còn nhỏ.
“Hãy nhìn người Nhật mà xem. Tại sao trong những lúc nguy hiểm nhất, mọi người bị thiên tai, sóng thần tàn phá không còn gì nhưng ngay cả đến một đứa bé cũng biết nhường phần ăn của mình cho người khác? Đó không ngoài gì khác là do thành quả của một quá trình giáo dục khoa học và đầy tính nhân văn”, Giáo sư Khê phân tích.
Không những Giáo sư Khê mà tất cả những diễn giả, đại biểu cùng tham dự hoạt động ngoại khóa của trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm hôm đó đều rất xúc động và bất ngờ trước cách ứng xử lễ phép và hiểu biết về văn hóa ứng xử của các em học sinh của trường.
Tôi rất xúc động và trân quý hình ảnh thầy Nguyễn Văn Khôi, Hiệu trưởng của trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm đứng giữa sân trường cùng bắt nhịp hát với các em học sinh theo một điệu hát giao lưu giữa Gs. Khê với các em học sinh. Dưới cái nắng hơn 37 độ, khuôn mặt người thầy rạng ngời niềm vui và ánh mắt thân thiện, chan chứa một tình yêu thương rất lớn đối với trò.
Tôi nhận ra điều Gs Khê đã nói văn hóa ứng xử của con trẻ phải được bắt nguồn từ giáo dục là như thế nào! Một nhà trường với một người thầy hiệu trưởng luôn ứng xử một cách nhân văn, văn hóa thì tất yếu nhà trường đó sẽ có được một đội ngũ thầy cô giáo và học trò biết ứng xử có văn hóa, có phép tắc và nề nếp.
Ngoài ra, Gs Khê cũng như nhà văn, nhà báo Thúy Ái có mặt trong buổi giao lưu hôm đó đều đồng ý rằng sở dĩ văn hóa ứng xử học đường trong những năm gần đây xuống cấp là do ảnh hưởng của văn hóa thời trang vào học đường.
Học sinh dễ đánh nhau hơn khi mặc quần jean, áo phông, áo sơ mi đến trường. Nhưng thử hỏi xem liệu nữ sinh có dám đánh nhau khi mặc những chiếc áo dài trắng, “quốc phục” một thời của các trường nữ sinh khi xưa!
Nhà văn Thúy Ái cho rằng không phải vô cớ các trường học nữ sinh thời xưa như trường Nữ sinh Đồng Khánh, trường Quốc Học Huế lại bắt buộc nữ sinh mặc áo dài trắng đi học tất cả các ngày trong tuần. Đó chính là họ muốn hun đúc vẻ đẹp nữ tính cho các bạn trẻ.
“Khi mặc áo dài, các nữ sinh sẽ không dễ gì để đánh nhau. Và với vẻ đẹp vốn có của chiếc áo dài sẽ làm cho người mặc điều chỉnh được cách đi đứng, nói năng và giao tiếp với mọi người, cũng sẽ là một cách để rèn luyện nét đẹp văn hóa ứng xử cho các bạn trẻ”, chị Thúy Ái chia sẻ.
Giá như xã hội Việt Nam có nhiều người hơn nữa như Gs. Khê, chị Thúy Ái, chị Thanh Thúy và những thành viên của Hội quán Các Bà Mẹ - một tổ chức mà sứ mệnh là kết nối tri thức và văn hóa đến với cộng đồng, thì văn hóa ứng xử học đường đã không ở "nút đỏ" như vậy!
Xin khép lại bài viết ở đây với thông điệp chia sẻ của chị Phạm Thúy: Kiến thức có thể tìm thấy dễ dàng chỉ bằng một click chuột trên internet. Tại sao bắt con trẻ học nhồi nhét để gây ức chế tâm lý, stress, tâm thần...? Căng thẳng sẽ tạo ra những hành vi gây hấn.
Chỉ khi con trẻ được sống hạnh phúc và vui vẻ, các em mới có thể biết cách cư xử. Con trẻ rất thông minh và biết nhiều hơn người lớn tưởng. Các em chỉ cần người đi trước định hướng đúng, động viên khuyến khích đúng, tạo điều kiện cho các em, các em sẽ có cơ hội tự khẳng định mình.
Thanh Loan